Trước hết xin hãy nói về khái niệm "pervious" và "impervious". "Pervious" là có thể thấm qua và "impervious" là không thể thấm (hay thấm rất ít). Đây là khái niệm rất quan trọng và cốt lõi của việc tiêu thoát nước tự nhiên khi thiết kế công trình hay quy hoạch cả đô thị.
Đô thị là nơi bị bêtông hóa nhiều nhất, tỉ lệ diện tích "pervious" rất ít so với diện tích "impervious". Kết quả là gần như toàn bộ nước mưa đều dồn hết về cho hệ thống cống "gánh" trọn. Và quá tải.
Chúng ta đã biết cái giá phải trả cho việc phá rừng, nhất là rừng phòng hộ đầu nguồn. Rừng là diện tích "pervious", nơi tích nước, giữ nước tạm thời khi có mưa lớn, để hạ lưu không bị dồn nước quá nhanh quá nhiều.
Giả sử nếu cho đổ bêtông (impervious) toàn bộ rừng núi ở thượng lưu thì chuyện ngập lụt ở hạ lưu sẽ khủng khiếp đến mức nào?
Hiện nay, khi có mưa, nước từ nóc nhà, từ hẻm, lề đường, mặt đường, tất cả đều dồn xuống cống. Thử làm một bài toán đơn giản. Một trận mưa cỡ 50mm trải đều trên một diện tích khoảng 1km2, tương đương với 50.000m3 nước! Sẽ không có hệ thống cống nào có thể gánh nổi lượng nước này. |
Với mật độ dân cư tại các thành phố lớn hiện nay, việc giải tỏa để mở thêm đất thấm như công viên là không tưởng.
Chúng ta có thể đưa ra giải pháp đến từng căn nhà, từng con hẻm, từng công trình và cả khu vực, đặc biệt là các khu vực trũng, thường bị úng ngập.
Có hai giải pháp: đó là giữ nước và thấm nước.
1. Giữ nước (detention)
Giữ nước hay còn gọi là "detention" là phương pháp "tạm giữ" lại lượng nước mặt của một công trình hay cả một khu vực, không cho xuống cống ngay trong lúc mưa.
Đây là một dạng "hồ điều tiết" (detention pond) rất hiệu quả. Nước chỉ bắt đầu được xuống cống sau khi đã đầy hồ, hoặc thường là sẽ để bay hơi dần.
Với hiện trạng đô thị như TP.HCM, việc này đã... quá muộn.
Tuy nhiên có một giải pháp khả thi và hiệu quả là làm hồ chứa nước mưa cho từng công trình một, thể tích hồ chứa sẽ tỉ lệ với diện tích "impervious" của công trình.
Từng mét vuông đất thấm nước đều có giá trị. Lề đường ở khu dân cư chỉ cần 1,5 mét là đủ |
Một căn nhà phố trung bình 4mx25m, tức 100m2, trong một trận mưa 50mm sẽ "đóng góp" 5m3 nước vào hệ thống cống. Chỉ cần căn nhà này có hệ thống hồ chứa nước mưa 2m3.
Một khu vực với 1.000 căn nhà tương đương, giữ lại được 2.000m3 nước không để tràn xuống đường, vừa giảm tải và giúp hệ thống cống có thêm thời gian cần thiết để tiêu thoát từ mặt đường vỉa hè và các nơi khác.
Lượng nước này sẽ được tái sử dụng, xả toilet, tưới cây, vừa hữu ích, "green" và bền vững (sustainable).
Quy định tỉ lệ về thể tích hồ chứa so với diện tích "impervious" cần được nghiên cứu cụ thể, bảo đảm thích ứng theo từng khu vực. Việc thiết lập bản đồ “lưu vực” của từng đoạn đường để xác định khu vực cần “giữ nước” là cấp thiết.
Giữ nước tạm thời là một phần nhưng chưa đủ, cần có giải pháp tăng diện tích thấm nước.
2. Tăng diện tích thấm nước (increasing pervious area)
Mật độ bêtông hóa của đô thị Việt Nam vào loại khá cao trên thế giới, bởi mật độ dân cư cao và tình trạng "xây dựng đến tấc đất cuối cùng". Cả thành phố được trùm lên một lớp bêtông, kết quả là đất bị ngộp, đường bị ngập.
Tăng diện tích thấm nước vừa giải quyết được vấn đề mưa ngập, vừa tăng diện tích "thở" cho đất, giảm diện tích phản xạ nhiệt và giảm nhiệt thành phố.
Có một giải pháp đơn giản, đó là tăng diện tích "xanh" trên vỉa hè, quy định tối thiểu diện tích "xanh" cho mỗi loại công trình, và cuối cùng là sử dụng "pervious material", tức là vật liệu "thấm nước".
Bê tông thấm. Pervious concrete |
Vỉa hè là đất công cộng, thuộc thành phố quản lý, giải pháp hợp lý cho vỉa hè vừa ít tốn kém, vừa dễ dàng.
Hiện nay, tình trạng bêtông hóa vỉa hè 100% đã đẩy toàn bộ lượng nước mưa xuống cống, góp phần gây ngập lụt, vừa tăng diện tích phản xạ nhiệt làm nóng thành phố.
Trả lại diện tích cây xanh và góp phần thấm nước bằng cách làm vỉa hè nhỏ hẹp lại, vừa đủ, và phần còn lại chỉ cần trồng cỏ, cây xanh.
Cần thiết kế, quy hoạch lại hệ thống vỉa hè toàn thành phố để tăng diện tích thấm nước.
Cần có quy định diện tích tối thiểu cho từng công trình theo từng khu vực (zoning). Cần phân biệt rõ diện tích xây dựng và diện tích thấm.
Một công trình dù xây dựng đúng quy định, giả sử 65% diện tích đất, nhưng trong 35% còn lại thì sân đậu xe chiếm hết 30%, chỉ còn 5% là "pervious" tức là có thể thấm nước. Như vậy công trình này đã không còn diện tích thấm nước, dồn tải vào hệ thống thoát nước chung.
Nên quy hoạch và phân vùng từ khu trung tâm đến ngoại ô, theo đó có tỉ lệ impervious/pervious thích ứng.
Quy định này phải được tuân thủ tuyệt đối, cộng với phương án "tự giải quyết" như hầm chứa tạm thời (detention) hoặc hầm chứa dài hạn (retention).
Những khu shopping lớn, khu công nghiệp, khu nhà ở, chung cư, dù nằm ở ngoại ô cũng đều phải có các hồ chứa này, được kết hợp với cảnh quan vào tổng thể chung.
Những nơi không thể cắt được mảng nào cho cây xanh, vì không gian hạn hẹp như các con hẻm, hoặc cần bề mặt cứng chắc như bãi đậu xe, thì có thể sử dụng vật liệu thấm (pervious material).
"Pervious concrete" là loại bêtông đặc biệt có rất nhiều khoảng hở li ti đủ để nước thấm qua rất nhanh. Sử dụng loại bêtông này để tráng những con hẻm rất thích hợp.
Ngoài việc thấm nước, loại bêtông này còn cho phép lớp nước trong đất được bay hơi qua lớp bêtông trong những ngày nắng nóng sau đó, giúp cho đất được "thở" và giải nhiệt bề mặt rất tốt.
"Pervious pavers" là loại gạch bêtông lát vỉa hè, được thiết kế sao cho có khoảng hở giữa các viên gạch để nước thấm qua.
Pervious pavers: Tăng diện tích thấm nước
Trong xu hướng thiết kế bền vững (sustainable design) hiện nay, thì "pervious material" là một giải pháp thông dụng, đã được sử dụng rất nhiều nơi và ngày càng phổ biến.
Giải pháp này tương đối dễ dàng, không đòi hỏi công nghệ cao hay đặc biệt gì, và hoàn toàn thích hợp với các đô thị tại Việt Nam.
Bê tông thấm Pervious concrete |
Tóm lại, để hạn chế tình trạng mưa ngập tại các thành phố lớn ở Việt Nam, trước tiên cần lập bản đồ lưu vực của các đường phố thường bị ngập.
Kế tiếp là giữ nước tạm thời và tăng diện tích thấm nước.
Đơn giản, ít tốn kém và hoàn toàn khả thi, các giải pháp này còn giúp giảm bức xạ nhiệt, làm mát thành phố và cũng là bước đầu trong xu hướng thiết kế bền vững của thế giới, để bảo vệ môi trường sinh thái của trái đất và nâng cao chất lượng sống của đô thị.
Hiến kế chống ngập cho TP.HCM và các đô thị khác: - Bạn có đồng tình với những giải pháp nêu trên mà bạn đọc - KTS Đào Đông Nhựt đã nêu? - Bạn có sáng kiến gì trong việc giúp chống ngập? - Các đô thị khác nên rút ra những bài học gì để tránh rơi vào tình trạng ngập nặng như TP.HCM? Hãy chia sẻ cùng Tuổi Trẻ Online qua email tto@tuoitre.com.vn hoặc bằng phần Ý kiến bạn đọc ngay bên dưới bài viết. TTO |
Theo Báo Tuổi Trẻ