Cây dây leo bám tường khiến nhà nhanh hỏng

Chất lượng nhà ảnh hưởng


Kiến trúc sư Đỗ Anh Minh - Công ty TNHH Tư vấn thiết kế và Xây dựng Tân Á Đông (Hà Nội) cho hay, kiến trúc xanh hòa hợp với thiên nhiên và tiết kiệm nhiên liệu được nhiều kiến trúc sư theo đuổi. Sử dụng cây dây leo, tận dụng những bức tường trống, đơn điệu để tạo ra những mảng xanh cho các công trình kiến trúc như nhà ở, cơ quan… ngày càng được nhiều người yêu thích. Tuy nhiên, việc trồng cây dây leo bám tường về cơ bản sẽ ảnh hưởng đến việc chống thấm ngoài nhà của công trình. Tường nhà dễ bị ẩm thấp, bong tróc, vỡ lở... làm cho tường nhanh hỏng. Còn chất lượng công trình bị suy giảm nhiều hay ít thì phụ thuộc vào các loại cây, môi trường trồng cây và loại sơn ngoài nhà mà công trình sử dụng.

Ngoài ra, không ít gia đình cũng thích có cây cao um tùm trước nhà để lấy bóng mát, nhưng cây quá to và um tùm lại mang nhiều bất lợi bởi nó là vật dẫn sấm sét khi mưa bão, rễ cây lại ăn sâu lan rộng dưới đất làm ảnh hưởng đến nền móng căn nhà.

Ông Hà Thanh - Bộ môn Phong Thủy (Viện Nghiên cứu ứng dụng tiềm năng con người) cho rằng, cây dây leo có tác dụng tốt là che nắng, giữ mát cho những bức tường phía đông, phía tây, giảm sự nung nóng của mặt trời những ngày hè nóng bức. Song cây dây leo bám tường lại ảnh hưởng tới độ bền của tường vì che ánh sáng, ánh nắng, làm tăng độ ẩm tạo điều kiện cho nấm mốc phát triển. Đối với những ngôi nhà đã được trang trí, ốp gạch, đá thì các loại rễ cây dây leo không làm ảnh hưởng lớn đến sự bền vững của bức tường.

“Xét về mặt phong thủy, giàn cây dây leo quá rậm rạp sẽ khiến nhà cửa tối, tích tụ khí âm ảnh hưởng đến sức khỏe của gia chủ. Vì thế mọi người cần phải tỉa cành dài, loại bỏ cành lụi, cành khô thường xuyên”, ông Thanh cho hay.
Xử lý ảnh hưởng của cây dây leo

Theo kiến trúc sư Đỗ Anh Minh, nếu bạn vẫn muốn có một không gian xanh bằng cách trồng cây dây leo thì cần phải lưu ý những điểm trồng cây lấy bóng mát ở khu vực thông thoáng, ít góc khuất. Nên giữ gìn thói quen vệ sinh sạch sẽ quanh khu vực trồng cây. Chọn chủng loại cây phù hợp, cần tránh trồng cây có lá hoặc thân cây có vị chua, tránh trồng cây có chân bám như họ tầm gửi... Tốt nhất trước khi lựa chọn cây dây leo cho ngôi nhà, bạn nên tham khảo ý kiến của chuyên gia cây cảnh. Điều đặc biệt cần lưu ý là nên chọn loại sơn ngoại thất tốt, xử lý chống thấm ngoài nhà ở các khu vực dự định trồng cây.

Để giảm tích tụ nhiều khí âm của cây dây leo với ngôi nhà, ông Hà Thanh khuyên, nên phát quang cây để cây không mọc um tùm, che khuất tầm nhìn của ngôi nhà và tạo vẻ âm u. Theo phong thủy, trồng cây dây leo trước nhà nên chọn hoa đậm, lá tươi tắn không ủ rũ, lá không có hình kim, cũng không được dày quá (không che phủ, âm u phía trước nhà.) Cây cối tốt nhất là có màu xanh và hoa có màu sặc sỡ. Vì vậy, tùy kiến trúc ngôi nhà để tạo khung phù hợp với dây leo, giúp cho dây leo không bị tràn, trùm làm xấu nhà. Nếu nan rào nhỏ thì dùng cây vạn niên thanh, có lá to sẽ đan khít, màu lá cây rất hợp tường màu trắng. Nếu không có nhiều thời gian chăm sóc, có thể trồng loại cây leo nóc tường để tạo được điểm nhấn sắc màu cho ngoài ngôi nhà, các loại hoa đậm màu như tigôn, ớt chùm, dạ yến thảo… rất hợp.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo rằng, với những ngôi nhà đã xác định trồng cây dây leo thì cần “chung thủy”. Cây dây leo có thể thay thế màu sơn đơn điệu và các thanh gỗ phía bên ngoài căn nhà, nhưng nên biết là một khi đã trồng cây leo, phải xác định là không thể gỡ ra được vì sẽ làm bong tróc mảng sơn, vôi trên tường.

Ngoài màu sắc hoa, lá và cần tìm hiểu đặc tính sinh trưởng có phù hợp môi trường, phải xét xem có thể “phục vụ” cây được không. Ví như hoa giấy ra quanh năm, nhưng nhược điểm là hay rụng hoa lá nên phải quét luôn. Cây chanh dây quả làm nước chanh uống rất tốt nhưng nhược điểm là rắn xanh hay làm tổ trên ngọn cây.
Dựa vào đặc tính sinh trưởng và công năng sử dụng, các chuyên gia phân chia loại cây dây leo theo các nhóm sau:

Cổng rực rỡ sắc hoa thể hiện sự hiếu khách của gia chủ. Nên chọn những cây leo có hoa quanh năm và thân cứng cáp như hoa giấy, sử quân tử… Hoa giấy có sức sống bền bỉ, ít sâu bệnh nhưng không phát triển quá nhanh, vì thế cổng nhà vẫn có vẻ đẹp tươi tắn, giữ được độ thoáng cần thiết.

Ban công thắm sắc hoa leo lãng mạn và hấp dẫn với những dải hoa leo nhỏ xinh như huỳnh anh, huỳnh đệ, tóc tiên... Không trồng quá nhiều loại cây ở ban công để tránh cảm giác rối mắt và che khuất ánh sáng vào phòng. Tuy nhiên, bạn có thể kết hợp cây leo với hoa bụi để tạo các tầng hoa đẹp mắt.

Không nên trồng loại trầu bà leo tường vì lâu dài sẽ làm mục tường.
Phương Thuận – Hà Dương